
Bí quyết móng tay chắc khỏe, đẹp tự nhiên chỉ với 6 cách đơn giản tại nhà, ai cũng làm được
Bàn tay là một trong những bộ phận hoạt động nhiều nhất của con người trong sinh hoạt hằng ngày. Nhiều người vẫn còn chủ quan với tình trạng móng tay yếu, dễ gãy, thậm chí những biểu hiện bất thường bên ngoài. Thực chất, đôi tay khỏe cùng phản ánh sức khỏe toàn bộ cơ thể, vì vậy việc chăm sóc giúp móng tay chắc khỏe là điều cần thiết mà chúng ta cần thực hiện thường xuyên. Đặc biệt, những cách này hoàn toàn có thể thực hiện tại nhà, đơn giản mà không tốn kém quá nhiều.
Tại sao móng tay yếu và dễ gãy?
Móng tay yếu và dễ gãy là vấn đề sức khỏe thường gặp ở một số người, ảnh hưởng đến cả thẩm mỹ lẫn sức khỏe. Trước khi tìm hiểu cách chăm sóc móng tay chắc khỏe, chúng ta cần hiểu rõ nguyên nhân khiến móng trở nên mỏng manh.
Móng tay được cấu tạo từ keratin (chất sừng), là một loại protein cứng giúp bảo vệ đầu ngón tay. Một số nguyên nhân dẫn đến suy yếu cấu trúc keratin, khiến móng tay giòn, dễ gãy khi chỉ tác động nhẹ hoặc bong tróc khiến bạn phải thốt lên: “Đã có ai làm gì đâu? Đã chạm vào đâu?”.
- Thói quen sinh hoạt: cắn móng tay, thường xuyên dùng móng tay cạy mạnh đồ vật cứng, thường tạo áp lực lên móng tay, tiếp xúc thường xuyên với nước, với hóa chất mạnh ăn mòn móng tay,…khiến móng mất đi độ ẩm tự nhiên, khô và dễ gãy, rụng.
- Thiếu hụt các chất dinh dưỡng: móng tay yếu ớt, dễ gãy và mọc chậm hơn là những cảnh báo cho việc cơ thể thiếu hụt dinh dưỡng. Một số chất liên quan đến sức khỏe móng tay là biotin (vitamin B7), vitamin A, C, D, sắt, kẽm
- Tuổi tác: càng lớn tuổi, móng tay càng mỏng hơn, giòn và mọc chậm hơn do quá trình sản xuất keratin giảm dần theo thời gian.
- Bệnh lý: một số bệnh lý như suy giáp, thiếu máu, hội chứng Raynaud có thể ảnh hưởng đến sự phát triển của móng, khiến móng giòn hơn.
- Lạm dụng hóa chất làm nail: sơn gel, acrylic, axetone,…chứa hóa chất mạnh khiến móng khô, dần dà yếu đi nếu sử dụng liên tục mà không để móng có thời gian phục hồi.
- Tác động từ môi trường: thời tiết lạnh, độ ẩm thấp khiến móng mất đi độ đàn hồi, trở nên giòn hơn và dễ gãy.
Sau khi đã xác định được một số nguyên nhân khiến móng tay không những không chắc khỏe mà còn yếu ớt, giờ là lúc cần có những biện pháp khắc phục tình trạng tưởng chừng vô hại nhưng lại tiềm ẩn nguy cơ sức khỏe này.
Dinh dưỡng – nền tảng cho móng tay chắc khỏe

Chăm bên ngoài thì chưa đủ, muốn móng tay chắc khỏe dài lâu cần phải chăm sóc từ bên sâu bên trong. Một chế độ dinh dưỡng cân bằng, đầy đủ các nhóm chất sẽ là nền tảng vững chắc cho một bộ móng tay chắc khỏe, đẩy lùi tình trạng dễ gãy và giòn của móng:
- Biotin (Vitamin B7): giúp “gia cố” chiếc áo giáp trên móng tay, tăng cường độ dày và độ cứng, giảm tình trạng bong tróc. Một số thực phẩm hằng ngày chứa biotin: trứng, cá hồi, hạt, rau xanh,…
- Vitamin B12 & Folate (Vitamin B9): hỗ trợ sản xuất tế bào hồng cầu, giúp móng tay phát triển khỏe mạnh. Việc thiếu hụt chất này có thể khiến móng đổi màu, làm giòn móng. Bạn hãy bổ sung thêm rau có màu xanh đậm, trứng, thịt, sữa,…cung cấp thêm vitamin B9 cho bộ móng tay khỏe mạnh.
- Sắt: thành phần quan trọng giúp vận chuyển oxy đến tế bào móng. Thiếu sắt có thể khiến móng tay xuất hiện vết sọc trắng hoặc dễ gãy. Sắt được tìm thấy nhiều trong thịt đỏ, hàu, đậu lăng, rau bina.
- Magie: giúp tổng hợp protein, hỗ trợ sự phát triển và giúp móng tay chắc khỏe. Bổ sung magie từ các thực phẩm dễ tìm như chuối, hạt hạnh nhân, hạt hướng dương,…
- Omega-3: dưỡng chất giúp móng đàn hồi, hoạt động trên móng tay như một chất bôi trơn và giữ ẩm cho móng, mang đến vẻ ngoài căng bóng. Cá hồi, cá thu, cá trích, cá mòi đứng đầu về nguồn cung cấp omega -3, ngoài ra bạn cũng ăn hạt óc chó, đậu nành, trứng, hạt chia,…
- Vitamin C: thúc đẩy sản sinh collagen, giúp móng khỏe mạnh và hoàn thiện cấu trúc móng tay. Vitamin C là dưỡng chất mà cơ thể không thể tự sản xuất, vì vậy cần bổ sung từ thức ăn và các nguồn khác từ bên ngoài. Rất nhiều thực phẩm giàu vitamin C mà bạn dễ kiếm như trái cây có múi, dâu tây, kiwi, ớt chuông, cà chua, và đặc biệt là quả ổi (chứa lượng vitamin C gấp 4 lần so với quả cam khi cả hai đều cùng một khối lượng).
- Kẽm: giúp móng phát triển toàn diện, ngăn ngừa tình trạng giòn gãy. Có trong hạt bí, thịt gà, đậu xanh.
• Nước: nhiều người vẫn nghĩ nước không giúp ích gì cho móng tay chắc khỏe nhưng nó cung cấp độ ẩm cho móng, tránh tình trạng khô cứng và không chắc chắn của móng.
Thói quen chăm sóc móng hàng ngày

Việc chăm sóc móng tay chắc khỏe không cần phức tạp, chỉ cần duy trì những thói quen đơn giản mỗi ngày là đã có thể thấy sự khác biệt rõ rệt.
Thoa dầu dưỡng móng là bước không thể thiếu. Dầu jojoba, dầu dừa hay dầu hạnh nhân đều có khả năng thẩm thấu sâu vào móng, cung cấp độ ẩm và các chất dinh dưỡng cần thiết. Chỉ cần vài giọt dầu massage nhẹ nhàng quanh móng để tẩy tế bào chết nhẹ nhàng và giúp lưu thông tuần hoàn máu trước khi ngủ.
Sử dụng kem dưỡng tay chất lượng tốt cũng rất quan trọng. Những sản phẩm chứa lanolin, glycerin hay ceramide không chỉ làm mềm da tay mà còn bảo vệ móng khỏi tác động bên ngoài.
Nhiều người e ngại hoặc không quen đeo bao tay khi làm một số việc nhà do vướng víu, thế nhưng nó lại là giải pháp giúp móng tay hạn chế tiếp xúc hóa chất. Nước nóng, chất tẩy rửa và các hóa chất làm sạch có thể làm móng khô và yếu đi rất nhanh. Vì thế, đừng chỉ vì cái lợi trước mắt mà đánh đổi sức khỏe lâu dài của một đôi tay với bộ móng tay chắc khỏe.
Kỹ thuật cắt tỉa móng đúng cách
Cắt móng tay là một việc đơn giản nhưng nếu cắt không đúng cách, gây tổn thương móng tay có thể dẫn đến việc móng nứt, mọc ngược hoặc thậm chí là nhiễm trùng. Tuy chi là vết thương nhỏ trên đầu ngón tay nhưng nếu chủ quan sẽ ảnh hưởng đến thẩm mỹ và sức khỏe của đôi tay.
Bạn có biết “thời điểm vàng” để cắt móng tay? Đó chính lá sau khi tắm hoặc ngâm móng tay trong nước ấm khoảng 5-10 phút, khi móng đã mềm hơn, việc cắt móng cũng dễ dàng hơn. Nếu móng thuộc dạng cứng hoặc một thời gian lâu chưa cắt, hãy ngâm lâu hơn để móng đạt độ mềm lý tưởng.

Khi cắt móng tay nên dùng bấm móng, kéo hoặc những dụng cụ sắc bén, không nên dùng những dụng cụ cùn, hen gỉ để hợp vệ sinh. Cắt theo hình dáng tự nhiên của đầu ngón tay, không cắt quá sát hoặc quá sâu ở hai bên góc móng. Nguyên nhân khiến móng mọc ngược nằm ở vị trí này, khi cắt móng phạm vào phần thịt bên trong.
Sau khi cắt, sử dụng dũa móng làm nhẵn các góc cạnh còn sắc. Rất nhiều người có thói quen dũa móng qua bằng cách đẩy qua đẩy lại, thế nhưng cách này chỉ làm móng tách lớp và ngày càng yếu đi. Lời khuyên là chỉ nên dũa một chiều theo hướng từ ngoài vào trong. Với những nàng thích form móng oval hoặc almond (móng hạnh nhân), hoàn toàn có thể dùng dũa tạo hình theo form mong muốn.
Những điều cần tránh để bảo vệ móng
Có những thói quen tưởng chừng vô hại nhưng lại âm thầm phá hủy sức khỏe móng tay của bạn. Biết được những điều cần tránh sẽ giúp bạn bảo vệ móng hiệu quả hơn.
Cắn móng là thói quen xấu phổ biến nhất. Ngoài việc làm móng trở nên xấu xí, cắn móng còn đưa vi khuẩn từ miệng vào vùng móng, dễ gây nhiễm trùng. Thay vào đó, hãy cắt móng ngắn và mang theo dũa móng để chỉnh sửa khi cần.
Sử dụng móng như công cụ là sai lầm mà nhiều người mắc phải. Dùng móng để mở lon, gỡ nhãn dán hay ngoáy tai có thể làm móng bị nứt hoặc gãy ngay lập tức. Hãy luôn chuẩn bị các công cụ chuyên dụng thay thế.
Lạm dụng các sản phẩm làm móng cũng không tốt. Thường xuyên sơn móng mà không để móng “thở” có thể khiến móng bị ố vàng và yếu đi. Ít nhất một tuần trong tháng, hãy để móng tự nhiên không trang điểm gì cả.
Cuối cùng, tuyệt đối không bóc lớp móng gel hay acrylic bằng tay. Điều này có thể kéo theo cả lớp móng tự nhiên, khiến móng trở nên mỏng và yếu trong thời gian dài.
Phương pháp chăm sóc móng tay chắc khỏe bằng nguyên liệu tự nhiên
Chanh tươi là nguyên liệu “vàng”, sẵn có trong nhà và giúp ích cho việc chăm sóc móng. Axit citric trong chanh giúp làm sạch móng, loại bỏ vết ố vàng do sơn móng để lại. Bạn có thể ngâm móng trong nước cốt chanh pha loãng khoảng 10 phút, sau đó rửa sạch và thoa lại với dầu dưỡng.
Nguyên liệu tự nhiên giúp móng tay chắc khỏe không thể bỏ qua các loại dầu. Đây đích thị là “thần dược” giúp móng bóng khỏe tự nhiên, lành tính và dễ sử dụng. Công dụng của một số loại dầu dưỡng để có móng tay chắc khỏe, chị em chỉ cần có gì dùng nấy, tiết kiệm và hiệu quả bất ngờ:
- Dầu ô liu giàu vitamin E, giúp dưỡng ẩm sâu và phục hồi móng bị tổn thương.
- Dầu dừa có đặc tính kháng khuẩn, giúp bảo vệ móng khỏi nhiễm trùng và giữ độ đàn hồi.
- Dầu jojoba thẩm thấu nhanh, cung cấp dưỡng chất giúp móng tay chắc khỏe hơn.
- Dầu hạnh nhân chứa nhiều axit béo, giúp móng mềm mại và ít bị gãy.

Tỏi có tính kháng khuẩn tự nhiên, rất tốt cho việc phòng ngừa nhiễm trùng móng. Chà nhẹ một lát tỏi tươi lên móng và để khoảng 10 phút trước khi rửa sạch. Mùi tỏi có thể hơi khó chịu nhưng hiệu quả thì không thể phủ nhận. Những ai có làn da nhạy cảm với tỏi cần tránh sử dụng nguyên liệu này.
Đừng bỏ qua trà xanh – thức uống quen thuộc này cũng có tác dụng tuyệt vời cho móng. Ngâm móng trong nước trà xanh nguội giúp tăng cường độ bền của móng nhờ các chất chống oxy hóa. Bạn có thể kết hợp uống trà xanh và ngâm móng để mang lại hiệu quả kép “uống trong bôi ngoài”.
Lựa chọn sản phẩm chăm sóc móng phù hợp
Thị trường hiện tại có rất nhiều sản phẩm chăm sóc móng, nhưng không phải sản phẩm nào cũng phù hợp với tất cả đối tay. Việc lựa chọn đúng sản phẩm sẽ giúp bạn chăm sóc móng tay chắc khỏe đúng cách và hạn chế bị ảnh hưởng bởi tác dụng phụ.
Dầu dưỡng móng chuyên dụng thường chứa vitamin E, dầu jojoba hoặc dầu argan. Những thành phần này có khả năng thẩm thấu tốt và cung cấp dinh dưỡng trực tiếp cho móng. Tránh những sản phẩm chứa quá nhiều hóa chất hoặc có mùi hương quá nồng.
Kem dưỡng tay chất lượng tốt cũng rất quan trọng. Chọn những sản phẩm có chứa urea, glycerin hoặc ceramide để đảm bảo độ ẩm cho cả tay và móng. Kem dưỡng ban đêm thường có nồng độ dưỡng chất cao hơn, phù hợp cho việc phục hồi móng sau một ngày dài.
Đối với những ai có móng yếu, có thể cân nhắc sử dụng sản phẩm tăng cường móng chứa protein hoặc calcium. Tuy nhiên, không nên lạm dụng các sản phẩm này vì có thể làm móng trở nên quá cứng và dễ gãy.
Nhận biết dấu hiệu móng không khỏe mạnh

Biết cách nhận biết những dấu hiệu cảnh báo sẽ giúp bạn kịp thời điều chỉnh cách chăm sóc móng tay chắc khỏe. Móng tay như một tấm gương phản ánh sức khỏe tổng thể của cơ thể.
Móng có màu vàng hoặc nâu có thể là dấu hiệu của việc hút thuốc, sử dụng quá nhiều sơn móng tối màu hoặc nhiễm nấm. Nếu tình trạng này kéo dài, bạn nên tham khảo ý kiến bác sĩ da liễu.
Những vết sọc dọc trên móng thường xuất hiện theo tuổi tác và không đáng lo ngại. Tuy nhiên, nếu xuất hiện vết sọc ngang có thể là dấu hiệu của căng thẳng, bệnh tật hoặc thiếu dinh dưỡng.
Móng dễ gãy, bong tróc thành từng lớp thường do thiếu độ ẩm, tiếp xúc quá nhiều với hóa chất hoặc thiếu protein. Điều này hoàn toàn có thể cải thiện bằng cách chăm sóc đúng cách và bổ sung dinh dưỡng.
Vùng da xung quanh móng bị đỏ, sưng hoặc đau có thể là dấu hiệu nhiễm trùng. Trong trường hợp này, bạn cần giữ vùng này sạch sẽ và tham khảo ý kiến chuyên gia nếu tình trạng không cải thiện.
Kết luận
Để có được bộ móng tay chắc khỏe tự nhiên hoàn toàn không hề khó thực hiện, các nguyên liệu dưỡng móng cũng đều là những thành phần dễ tìm hoặc có sẵn trong gian bếp. Các chị em chỉ cần kiên trì thực hiện những phương pháp đơn giản như chăm sóc dinh dưỡng từ bên trong, duy trì thói quen chăm sóc hàng ngày và tránh những yếu tố có hại, bạn sẽ sớm thấy sự thay đổi tích cực.
Tuy nhiên, việc chăm sóc móng cần duy trì dài lâu, không thể một sớm một chiều mà có được kết quả. Móng tay mất khoảng 3-6 tháng để phát triển hoàn toàn, vì vậy bạn cần kiên nhẫn và duy trì đều đặn các thói quen tốt, hạn chế tối đa những thói xấu phá hoại móng tay.
Trong quá trình dưỡng móng, nếu có vấn đề sức khỏe bất thường trong cơ thể hoặc những biểu hiện về da liễu, bạn nên hỏi ý kiến bác sĩ để tìm ra nguyên nhân và cách chữa trị kịp thời. Móng tay chắc khỏe không chỉ mang lại thẩm mỹ cho đôi tay, giúp tự do làm kiểu mà không phải kiêng dè một số thành phần hóa chất mà quan trọng hơn cả, nó là tấm gương phản chiếu sức khỏe toàn bộ cơ thể, tăng thêm tự tin trong các hoạt động sống hằng ngày.