
Cắn móng tay gây hại gì? 6 hậu quả đáng lo ngại cho sức khỏe bàn tay và cơ thể
Nhiều người có thói quen cắn móng tay trong vô thức, lâu dần trở thành thói quen khó bỏ. Chỉ cần đôi tay rảnh rang, bạn sẽ tự động đưa lên miệng cắn đầu móng. Tuy nhiên, nếu không sớm loại bỏ thói quen tưởng chừng vô hại này, những hậu quả khó lường vẫn luôn rình rập bạn, theo thời gian gây ảnh hưởng không nhỏ cho đôi tay và những bộ phận khác trên cơ thể.
Cùng YABE tìm hiểu nguyên nhân hình thành và một số tác hại cho sức khỏe của thói quen cắn móng tay trong bài viết dưới đây.
Nguyên nhân dẫn đến thói quen cắn móng tay
Áp lực và căng thẳng

Trong cuộc sống hiện đại, áp lực từ công việc, học tập hay các mối quan hệ khiến nhiều người chuyển sang cắn móng tay như một cách để giải tỏa cảm xúc. Khi đối mặt với stress, hành vi cắn móng tay mang lại một cảm giác thư giãn nhất thời, và tất nhiên nó không giải quyết được gốc rễ của vấn đề.
Với áp lực ngày càng gia tăng, cắn móng tay trở thành phản xạ tự động mỗi khi bạn cảm thấy lo âu. Những ai không kiểm soát tốt cảm xúc thường dễ kéo dài thói quen này, từ đó gây ra những hậu quả không mong muốn cho sức khỏe.
Thói quen hình thành từ nhỏ
Nhiều người bắt đầu cắn móng tay từ thời thơ ấu, khi còn tò mò hoặc học theo hành động của người lớn. Nếu không được nhắc nhở hoặc điều chỉnh kịp thời, thói quen này có thể ăn sâu vào tiềm thức.
Khi lớn lên, hành vi cắn móng tay trở thành một bản năng. Việc phát hiện sớm và sửa đổi đúng lúc sẽ giúp trẻ em tập những thói quen lành mạnh, và hiểu được cắn móng tay là hành vi xấu.
Yếu tố tâm lý
Một số người có xu hướng cắn móng tay do yếu tố tâm lý như lo âu, sự cầu toàn hoặc những rối loạn tâm lý nhẹ. Họ dùng hành động này như một cách điều chỉnh tâm trạng hoặc tự trấn an khi đối mặt với những bất ổn bên trong.
Cắn móng tay trong trường hợp này không chỉ gây tổn thương cho móng mà nó còn ám chỉ rằng bạn đang cần đến sự hỗ trợ từ chuyên gia tâm lý. Vậy nên, nếu bản thân bạn hoặc nhận thấy người thân đang trong tình trạng lo âu, hãy sắp xếp đi gặp bác sĩ tâm lý và cần loại bỏ sớm hành vi xấu này.

Ở những người mắc phải rối loạn tâm lý nghiêm trọng, thói xấu cắn móng tay còn xuất phát từ một số vấn đề thuộc về bệnh lý như rối loạn tăng động giảm chú ý (ADHD), rối loạn trầm cảm nặng (MDD), rối loạn ám ảnh cưỡng chế (OCD),…Tuy nhiên, đây cũng chỉ là biểu hiện thường thấy của người rối loạn tâm lý, không phải tất cả người bị rối loạn đều cắn móng tay.
Do buồn chán hoặc không có gì để làm
Khi đôi tay được rảnh rỗi, cắn móng tay trở thành một hành động vô thức, với mục đích cho đôi tay “bận rộn”. Những lúc chờ đợi, ngồi một chỗ lâu hay đang suy tư, hành vi này dễ xuất hiện mà đôi khi bản thân người đó không tự chủ được. Theo thời gian, hành động như được lập trình tự động diễn ra khi bạn làm những công việc đó.
Ảnh hưởng từ môi trường xung quanh
Môi trường gia đình, bạn bè và cả những hình mẫu xung quanh đều có thể góp phần hình thành thói quen cắn móng tay. Chẳng hạn, một đứa trẻ lớn lên bên cạnh những người thường xuyên cắn móng tay và coi đó là việc bình thường, khả năng rất cao đứa trẻ đó cũng sẽ lây nhiễm thói quen này.
Ngay từ nhỏ, trẻ em có xu hướng bắt chước những hành vi của người xung quanh, kể cả thói quen xấu. Một khi tiếp xúc thường xuyên với những hành vi tiêu cực, chúng có thể hình thành lối sống không lành mạnh và khó sửa đổi khi lớn lên. Vậy nên đừng để trẻ nhỏ tiếp xúc với hành động cắn móng tay trong những năm tháng đầu đời.
Nhu cầu kích thích cảm giác
Một số người cảm nhận được sự kích thích nhẹ khi cắn móng tay, như một cách để xoa dịu cảm xúc hoặc đơn giản là giữ cho tay có việc làm. Cảm giác nhấm nháp móng có thể mang lại sự giải tỏa tạm thời nhưng lại dễ dẫn đến sự phụ thuộc về lâu về dài.
Một số hành động như nhổ, bứt tóc, cắn da tay cùng với chứng nghiện cắn móng tay có mối liên hệ đến rối loạn hành vi lặp đi lặp lại tập trung vào cơ thể. Đây là dạng rối loạn tâm lý khiến người mắc phải gặp khó khăn trong việc kiểm soát một số hành vi gây hại bản thân.
Tác hại của thói quen cắn móng tay
Biết được nguyên nhân dẫn đến việc cắn móng tay, thế nhưng chưa chắc ai cũng có thể khắc phục được. Nếu còn không ngăn chặn sớm tình trạng này, người nuôi thói quen cắn móng tay có thể gặp một số vấn đề sau:
Tổn thương móng và da xung quanh

Hành động cắn móng tay thường xuyên làm cho lớp bảo vệ tự nhiên của móng bị phá hủy, gây ra tình trạng móng yếu, dễ gãy và mất đi hình dạng tự nhiên ban đầu. Da quanh móng do vết cắn để lại dễ bị tổn thương, dẫn đến các vết rách nhỏ và nguy cơ nhiễm trùng.
Những tổn thương này không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe móng tay mà còn làm giảm vẻ đẹp của đôi tay – một yếu tố quan trọng trong giao tiếp và tạo ấn tượng cá nhân. Một bộ móng tay đẹp sẽ góp phần nâng cao sự tự tin của bạn, vì vậy việc từ bỏ thói quen cắn móng tay là hết sức cần thiết.
Nguy cơ nhiễm trùng cao
Bàn tay thường xuyên tiếp xúc với các bề mặt chứa đầy vi khuẩn và bụi bẩn. Cứ 1cm2 trên da người chứa khoảng 40.000 vi khuẩn, và số lượng này tập trung nhiều ở bàn tay, trong đó bao gồm móng tay. Khi cắn móng tay, bạn vô tình tạo cơ hội cho lượng lớn vi khuẩn xâm nhập vào cơ thể qua đường miệng, gây ra nhiều nguy cơ nhiễm trùng như viêm họng, rối loạn tiêu hóa hoặc các vấn đề nghiêm trọng khác.
Ngược lại, đối với bàn tay có thể dễ mắc bệnh viêm mé (Paronychia), trong dân gian hay gọi là chín mé. Khi răng cắn đầu móng tay sẽ để lại những vết thương hở, tạo điều kiện thuận lợi cho tụ cầu vàng và virus Herpes xâm nhập, gây nhiễm trùng, áp xe, mưng mủ cho đầu móng tay.

Việc nhiễm trùng từ cắn móng tay không chỉ ảnh hưởng tạm thời mà còn khiến hệ miễn dịch bị suy yếu nếu không được điều trị kịp thời. Vì vậy, bảo vệ sức khỏe của bạn đồng nghĩa với việc cần phải loại bỏ thói quen cắn móng tay càng sớm càng tốt.
Ảnh hưởng đến sức khỏe răng miệng
Răng của bạn không được thiết kế để cắn những vật cứng như móng tay. Hành vi cắn móng tay có thể làm mài mòn men răng, khiến răng yếu đi, dễ bị sứt mẻ và có thể dẫn đến các vấn đề về khớp thái dương hàm nếu duy trì lâu dài. Khi răng bị mài mòn, lâu dần tình trạng răng khấp khểnh sẽ ngày càng rõ rệt.
Mất tự tin và ảnh hưởng hình ảnh cá nhân
Một bộ móng tay đẹp là điểm nhấn của ngoại hình và phong cách cá nhân. Khi móng tay bị cắn nát và không được chăm sóc, khi nói chuyện với người khác sẽ dễ bị đánh giá, từ đó làm giảm sự tự tin trong giao tiếp cá nhân lẫn công việc.
Ảnh hưởng tiêu cực từ thói quen cắn móng tay có thể khiến người khác đánh giá không chuyên nghiệp trong các tình huống quan trọng như phỏng vấn hay gặp gỡ đối tác kinh doanh. Bạn có muốn gặp người khác với một đôi tay “trầy da tróc vảy”, đầu móng sần sùi, lớp da bề mặt bị lột đến thấy lớp trong cùng? Sự tự tin luôn đến từ việc biết rằng bạn đang chăm sóc bản thân một cách tốt nhất, vì vậy từ bỏ cắn móng tay sẽ giúp giữ cho bạn một bề ngoài chỉn chu, gọn gàng.
Tác động đến tâm lý và hành vi
Dù cắn móng tay mang lại cảm giác giảm căng thẳng tạm thời, nhưng về lâu dài, thói quen này lại tác động tiêu cực đến tâm lý. Nhận thấy móng tay bị hư hại thường khiến bạn cảm thấy lo lắng, tự ti và rơi vào vòng xoáy bất an.
Hành vi cắn móng tay còn có nguy cơ trở thành biểu hiện của các rối loạn tâm lý, dẫn đến những hành vi cưỡng chế khác. Sự can thiệp từ chuyên gia tâm lý đôi khi là cần thiết để giúp bạn nhìn nhận vấn đề và từ từ loại bỏ thói quen xấu này.
Kết luận
Nhận diện được các nguyên nhân và tác hại của cắn móng tay là bước đầu quan trọng để thay đổi. Hãy bắt đầu hành trình từ bỏ thói xấu tưởng như vô hại này bằng cách áp dụng các biện pháp như sử dụng sơn đắng chống cắn móng tay, giữ tay bận rộn với những hoạt động hữu ích, giáo dục trẻ nhỏ về tác hại của thói xấu cắn móng tay. Bảo vệ sức khỏe và duy trì một bộ móng tay đẹp luôn là một phần không thể thiếu để giúp bạn tự tin tỏa sáng trong cuộc sống.