What Are You Looking For?

Có nên làm nail khi móng tay bị sọc? 4 điều bạn cần biết về dấu hiệu bất thường này

Có nên làm nail khi móng tay bị sọc? 4 điều bạn cần biết về dấu hiệu bất thường này

Yabe Vietnam 22/05/2025

Nhiều chị em phụ nữ thường cảm thấy lo lắng khi phát hiện những vệt sọc dọc hoặc ngang xuất hiện trên móng tay của mình. Những đường sọc này không chỉ ảnh hưởng đến thẩm mỹ mà còn có thể là dấu hiệu của một số vấn đề sức khỏe tiềm ẩn. Câu hỏi đặt ra là: có nên làm nail khi móng tay bị sọc không? Bài viết này sẽ giúp bạn hiểu rõ về nguyên nhân, các loại sọc móng tay thường gặp, và đưa ra những lời khuyên về việc có nên làm nail trong tình trạng này hay không.

Dấu hiệu của móng tay bị sọc 

Móng tay bị sọc là hiện tượng các đường sọc dọc hoặc sọc ngang xuất hiện trên  bề mặt móng tay. Nguyên nhân dẫn đến hiện tượng này có thể liên quan đến nhiều yếu tố từ lão hóa, thiếu hụt dinh dưỡng đến bệnh lý một số bệnh lý tiềm ẩn. 

Việc phát hiện ra dấu hiệu bất thường của móng tay không chỉ giúp nhận diện vấn đề thẩm mỹ mà kịp thời có biện pháp can thiệp, chữa trị các vấn đề về sức khỏe tổng thể. Nếu bạn nhận thấy sự thay đổi bất thường trên móng tay, đặc biệt là các đường sọc đen hoặc sọc ngang sâu, tốt nhất nên tham khảo ý kiến bác sĩ để kiểm tra biết chính xác tình hình sức khỏe hiện tại.

Một số loại sọc móng tay thường thấy

Một số loại sọc móng tay phổ biến
Một số loại sọc móng tay phổ biến

Móng tay bị sọc có thể xuất hiện dưới nhiều dạng khác nhau, phản ánh tình trạng sức khỏe hoặc yếu tố bên ngoài tác động lên móng. Dưới đây là hình dạng của các loại sọc móng tay thường gặp:

Sọc dọc trắng là những đường sọc chạy theo chiều dài của móng, thường có màu trắng nhạt và không gây lõm xuống bề mặt móng. Chúng có thể xuất hiện trên nhiều móng cùng lúc và thường không thay đổi kích thước theo thời gian. Đây cũng là loại sọc phổ biến nhất.

Sọc dọc nâu hoặc đen, còn gọi là melanonychia, có thể liên quan đến tăng sắc tố do tổn thương móng hoặc tiếp xúc với hóa chất. Những đường sọc này chạy dọc từ chân móng đến đầu móng, có màu đen hoặc nâu. Sờ vào có thể có cảm giác cộm hoặc không. Nếu tình trạng nghiêm trọng, chúng có thể lan rộng hoặc sậm màu theo thời gian.

Sọc ngang, hay còn gọi là đường Beau, thường kéo dài theo chiều ngang của móng, lõm xuống xuống tạo thành rãnh trên phiến móng  do chất nền tổn thương tạm thời. Chúng có thể xuất hiện ở nhiều móng cùng lúc. Những đường này mức độ nông sâu khác nhau, phản ánh tình trạng nghiêm trọng của tác nhân gây ra chúng.

Sọc ngang dạng lõm, hay còn gọi là spoon nails, là tình trạng móng tay bị lõm xuống ở giữa, tạo thành một bề mặt cong vào trong thay vì phẳng hoặc hơi cong ra ngoài. Khi tình trạng này nghiêm trọng, móng có thể đủ lõm để giữ một giọt nước trên bề mặt.

Sọc trắng ngang, hay còn gọi là đường Mees, là các đường trắng chạy ngang móng, không bị lõm xuống như đường Beau. Chúng thường có dạng dải trắng rõ rệt, có thể xuất hiện trên nhiều móng cùng lúc và di chuyển dần ra đầu móng theo sự phát triển của móng.

Nguyên nhân của móng tay bị sọc

Móng tay bị sọc dọc

Hiện tượng móng tay bị sọc dọc thường phổ biến hơn và ít đáng lo ngại. Các đường sọc dọc có thể là dấu hiệu tự nhiên của quá trình lão hóa (thường xuất hiện sau khoảng 50 tuổi). Khi chúng ta già đi, móng tay có xu hướng mất đi độ ẩm, trở nên mỏng manh và giòn hơn, dẫn đến sự xuất hiện của các đường sọc. Ngoài ra, sọc dọc cũng có thể là dấu hiệu của tình trạng thiếu hụt dinh dưỡng như thiếu sắt, kẽm hoặc protein.

Trong sinh hoạt hằng ngày, chấn thương do va đập dẫn đến móng tay bị dập, tích tụ máu bầm dưới bề mặt móng cũng khiến các sọc dọc đen xuất hiện. Nguyên nhân cơ học này không đáng lo ngại, sau một thời gian máu bầm tan ra, sọc dọc đen sẽ từ từ biến mất. 

Móng tay bị sọc dọc
Móng tay bị sọc dọc

Ở trường hợp nghiêm trọng hơn, móng tay bị sọc nâu, đen (còn gọi là melanonychia) có thể là hậu quả của một số bệnh như  nhiễm trùng nấm, ung thư hắc tố dưới da, vẩy nến móng, viêm quanh móng mãn tính, hoặc người bệnh đang trong quá trình hóa trị, xạ trị. Nếu các đường sọc dọc ngày càng thay đổi kích thước và có dấu hiệu lan rộng trên bề mặt móng, hãy đến gặp bác sĩ để chẩn đoán kịp thời.

Tuy nhiên, nếu bạn không mắc các bệnh lý nghiêm trọng thì chúc mừng bạn, vấn đề sẽ được giải quyết dễ dàng hơn bằng cách bổ sung một số dưỡng chất thiếu hụt trong cơ thể như vitamin B, kẽm và biotin. Hãy bổ sung thêm vào thực đơn hằng ngày thịt đỏ, hải sản (hàu, tôm, cá), các loại đậu, ngũ cốc nguyên hạt, các loại hạt như óc chó, hạnh nhân, hạt lanh giàu vitamin B, trứng, quả bơ, sữa và chế phẩm từ sữa.

Móng tay bị sọc ngang

Sọc ngang bị lõm xuống, còn gọi là đường Beau, thường liên quan đến những gián đoạn trong quá trình phát triển của móng. Nguyên nhân có thể bao gồm viêm quanh móng, chấn thương, dùng thuốc gây xuất hiện các đường Beau, sốt cao hoặc bệnh do virus gây ra. Khi cơ thể gặp phải tình trạng nghiêm trọng, sự phát triển của móng sẽ bị ảnh hưởng, dẫn đến sự hình thành các đường sọc ngang.

Thiếu hụt dinh dưỡng cũng góp mặt trong nguyên nhân gây ra hiện tượng móng bị sọc ngang. Người lớn xuất hiện những vết lõm, mờ mờ nằm ngang trên bề mặt móng có thể đang mắc bệnh thiếu máu thiếu sắt, bệnh huyết sắc tố, bệnh Raynaud, bệnh ban đỏ. Còn móng tay bị sọc trắng ngang khả năng cao do thiếu kẽm và protein, nhóm dưỡng chất cực kì quan trọng cho móng. Dấu hiệu này cũng có thể tìm thấy ở người mắc bệnh gan hoặc thận.

Các bệnh lý khác cũng góp phần gây gián đoạn quá trình phát triển của móng, nguyên nhân liên quan mật thiết đến móng tay bị sọc dạng đường Beau. Một số căn bệnh trong danh sách này là bệnh thận mãn tính (nhất là những người chạy thận nhân tạo hoặc ghép thận), bệnh tiểu đường, bệnh tim, phổi hoặc gan, bệnh liên quan đến tuyến giáp (cường giáp hoặc suy giáp),…

Móng tay bị sọc ngang
Móng tay bị sọc ngang

Các tác nhân bên ngoài

Các tác nhân bên ngoài có thể ảnh hưởng đáng kể đến sức khỏe của móng tay, dẫn đến tình trạng xuất hiện các đường sọc. Một trong những nguyên nhân phổ biến là chấn thương móng, chẳng hạn như va đập mạnh hoặc dập móng. Khi móng bị tổn thương, quá trình phát triển của nó có thể bị gián đoạn, dẫn đến sự hình thành các đường sọc ngang Beau.

Tiếp xúc với hóa chất cũng là một yếu tố góp phần. Việc thường xuyên sử dụng chất tẩy rửa mạnh, nước tẩy sơn móng tay hoặc các sản phẩm làm móng có chứa hóa chất có thể làm móng tay yếu đi, dễ khiến móng tay bị sọc và tổn thương. Ngoài ra, lạm dụng các phương pháp làm móng như đắp bột, sơn gel hoặc sử dụng móng giả không đúng cách có thể gây áp lực lên móng thật, làm móng giòn và dễ bị hư hại.

Hóa chất trong làm móng có thể gây ra tình trang móng tay bị sọc
Hóa chất trong làm móng có thể gây ra tình trang móng tay bị sọc

Thói quen cắn móng tay hoặc bóc da quanh móng cũng có thể gây tổn thương lớp nền móng, làm gián đoạn sự phát triển bình thường của móng và dẫn đến sự xuất hiện của các đường sọc. Ngoài ra, việc gõ móng tay liên tục lên bề mặt cứng tưởng vô hại nhưng vô tình gây áp lực lên móng, làm móng yếu đi theo thời gian.

Có nên làm nail khi móng tay bị sọc?

Có nên làm nail khi móng tay bị sọc? Câu trả lời phụ thuộc vào nguyên nhân gây ra các đường sọc và mức độ nghiêm trọng của chúng.

Nếu móng tay có sọc dọc do quá trình lão hóa hoặc yếu tố di truyền, việc làm nail thường không gây hại. Một số sản phẩm như sơn gel hoặc acrylic có thể giúp làm phẳng bề mặt móng và cải thiện vẻ ngoài thẩm mỹ. Tuy nhiên, nếu móng tay có sọc ngang hoặc các dấu hiệu bất thường như đổi màu, dày lên hoặc tách lớp, tốt nhất nên tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi làm nail. Những dấu hiệu này có thể liên quan đến các vấn đề sức khỏe tiềm ẩn, và việc che giấu chúng bằng sơn móng có thể làm chậm trễ quá trình chẩn đoán và điều trị.

Ngoài ra, nếu móng tay bị sọc do tình trạng như vẩy nến hoặc chàm, việc làm nail có thể làm trầm trọng thêm tình trạng và gây kích ứng cho vùng da xung quanh móng. Một số nghiên cứu cũng chỉ ra rằng các hóa chất trong sơn móng, chất tẩy sơn và quy trình làm nail có thể làm suy yếu cấu trúc móng, khiến tình trạng móng tay bị sọc trở nên nghiêm trọng hơn. Nếu quyết định làm nail, nên chọn các sản phẩm không chứa formaldehyde, toluene và dibutyl phthalate (DBP), là những hóa chất có thể gây hại cho móng tay và sức khỏe tổng thể.

Việc chăm sóc móng đúng cách, bổ sung dinh dưỡng đầy đủ và hạn chế tiếp xúc với hóa chất mạnh sẽ giúp duy trì sức khỏe móng tay, giảm nguy cơ xuất hiện các đường sọc. Nếu bạn nhận thấy móng tay có dấu hiệu bất thường kéo dài, việc kiểm tra y tế là cần thiết để xác định nguyên nhân chính xác.

Trường hợp bạn quá đam mê việc làm đẹp cho đôi tay nhưng lại sợ những hóa chất ở tiệm nail ảnh hưởng đến móng, hãy chuyển sang sử dụng nailbox (móng úp thiết kế sẵn). Không cần tiếp xúc trực tiếp quá nhiều hóa chất, chỉ cần dán móng úp lên bề mặt móng là đã có hai bàn tay xinh không thua kém nail salon.

Kết luận

Móng tay bị sọc có thể xuất phát từ nhiều nguyên nhân khác nhau, bao gồm lão hóa, thiếu hụt dinh dưỡng hoặc các vấn đề sức khỏe tiềm ẩn. Trong trường hợp sọc dọc do tuổi tác hoặc yếu tố di truyền, việc làm nail thường không gây ảnh hưởng và có thể giúp cải thiện vẻ ngoài của móng. Tuy nhiên, nếu xuất hiện sọc ngang, đổi màu hoặc các dấu hiệu bất thường khác, tốt nhất nên tham khảo ý kiến bác sĩ da liễu trước khi làm nail để đảm bảo móng không gặp vấn đề nghiêm trọng.

Nếu quyết định làm nail, việc lựa chọn sản phẩm chất lượng, không chứa hóa chất độc hại sẽ giúp bảo vệ móng tốt hơn. Đồng thời, duy trì chế độ chăm sóc móng với dinh dưỡng đầy đủ và dưỡng ẩm hợp lý sẽ góp phần cải thiện tình trạng móng tay bị sọc, hạn chế nguy cơ tổn thương trong tương lai.